Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Gia Dũng: Làm gì có lời lãi mà đi buôn thơ! - Văn học - Văn hóa

- Tôi đã không ngoa khi có lần viết trên báo rằng Gia Dũng là “Người buôn thơ vĩ đại”. Đúng là “vĩ đại”. Nhìn cái cách ăn vận, thấy tính cách của anh ít ai có được cái cảm tình lần đầu gặp. Áo bay cũ kỹ thời lính, tính cách thì... vô cùng kiêu bạc. Nhưng khi thấy anh sống ở nhà thuê tận xóm liều, đi bộ và đi xe ôm khắp xứ, ăn toàn bánh mỳ, uống nước máy... và làm những bộ tuyển thơ đồ sộ, tôi đâm phục anh.


1. Vừa qua, Thiên tuế tình hoài (Ngàn năm thương nhớ) của anh ra mắt. Đây là một công trình văn hóa đồ sộ và hoành tráng cả thời gian và không gian, nó đẹp cả ở nội dung và hình thức. Có lẽ thế nên trong bút tích của mình ở đầu sách ông “Thị trưởng” Hà Nội đương thời Nguyễn Thế Thảo đã hạ bút: “Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi xin hoan nghênh và chân thành cảm ơn các nhà thơ, nhà văn và soạn giả... “.




Gia Dũng: Làm gì có lời lãi mà đi buôn thơ!  - Tin180.com (Ảnh 1)

Soạn giả Gia Dũng
Thiên tuế tình hoài! Nghe có vẻ cổ kính quá!

Gia Dũng bảo tôi: Ấy là chữ của GS Phan Văn Các. Nói chuyện nghìn năm, lấy mấy chữ như vậy cho nó có vẻ... cổ kính chứ tên sách lúc đầu là Ngàn năm thương nhớ. Đây là bộ tuyển những bài thơ hay viết về Thăng Long - Hà Nội, dày tới 2.050 trang. Phải nói ngay rằng, đây là bộ sách đẹp và quý. Đẹp, bởi chỉ nhìn cái hộp đựng cuốn sách, nhìn cái bìa cứng đẫm màu thời gian cổ kính thế rồi độ dày cuốn sách nữa, tất cả làm ta bỗng dưng thán phục. Chao ôi! Phải hai tay bê mới nổi. Lại bìa cứng hộp dày bọc đẹp như một cái tráp sơn mài... Nể quá. Nể hơn là phần nội dung in trên nền giấy phủ rồng mây. Ngàn năm nay thơ viết về Thăng Long - Hà Nội nhiều vô kể. Gia Dũng bảo: “Phải đọc mấy vạn trang thơ, phải nghĩ suy lựa chọn sáu năm mới có được bộ tuyển lần này”.

Cách Gia Dũng tâm niệm về sách cũng thật đặc biệt. Anh đã từng xin lãnh đạo TP.Hà Nội cho làm cái lễ “hóa” cuốn sách dâng lên Đức Thái tổ Lý Công Uẩn ngay chân tượng đài cụ dịp đại lễ nghìn năm, nhưng vì quy định về an ninh phòng cháy dịp lễ trọng đành dời ngày làm lễ hóa sách và có thể sẽ dời về đền Đô quê hương phát tích của cụ.






Gia Dũng: Làm gì có lời lãi mà đi buôn thơ!  - Tin180.com (Ảnh 2)


Tác phẩm đồ sộ Thiên tuế tình hoài

2. Có lần tôi vui miệng trêu: Gia Dũng yêu thơ hơn cả bản thân mình. Mà đúng thế. Nhà trên Tuyên Quang vợ con đề huề, thế mà về Hà Nội 20 năm nay một mình lang thang sưu tầm chọn lọc, gặp gỡ thi nhân rồi ăn đói mặc rách, nhịn chơi, hùng hục làm các tuyển tập thơ đồ sộ vào bậc nhất ... Gàn và lập dị chăng? Có lẽ có chút gì đó. Mà không gàn làm sao thời này lại đi buôn... thơ! Nhưng anh “vĩ đại” ở chỗ một mình chọn thơ người rồi đi vay mượn tiền đem in thành những tuyển dày cả gang tay... Chỉ chừng ấy thôi đã phải nể phục một người tôn vinh thơ ...

Nhà thơ Gia Dũng đang được xem là soạn giả của những bộ sách hoành tráng bậc nhất Việt Nam hiện nay. Gã là một thi sĩ, từng là chiến sĩ ra trận và nổi tiếng với bài thơ Bài ca Trường Sơn sau được phổ nhạc thành bài hát chiến trận mang đẫm chất lãng mạn mà người yêu nhạc Việt ai cũng nhớ: Trường Sơn ơi? Trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/ Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát/ Ngắt một cánh hoa rừng cài lên mũ ta đi...

Quê đất Thái Bình nhưng lại sống trên vùng cao Hà Tuyên, hết chiến tranh về làm Văn nghệ quân đội một thời gian, sau đó lại ngược Tuyên về Hội Văn nghệ tỉnh rồi không hiểu sao bỏ Tuyên về Hà Nội sống chết với thơ của... thiên hạ... Gã định buôn thơ? Hình như tử vi gã gắn với thi ca cho nên gã bỏ ra 20 năm làm soạn giả của những tuyển thơ đồ sộ. Đó là: Chúng tôi đánh giặc và làm thơ; Nguyễn Trãi Thi tập; năm 2009 ra cuốn Việt Thi thiên tải, tuyển thơ Việt ngàn nămdày gần 3.000 trang và năm nay là Thiên tuế tình hoài hai ngàn trang có lẻ như đã nêu ở trên... 20 năm, mấy chục tuyển thơ kỷ lục về độ dày và nội dung sách. Không biết gã lấy đâu ra tâm sức mà lôi thơ thiên hạ về để tuyển thành những bộ sách thơ quá vĩ đại như vậy! Gã đi gom thơ thiên hạ về để cho mai sau chăng?

3. Có lần tôi hỏi anh: Tiền đâu mà anh soạn và in những tuyển thơ đồ sộ như vậy?

- Tiền đi vay mượn bạn bè. Các Mạnh Thường Quân ai hiểu mình, yêu quý và ủng hộ thì Gia Dũng cảm ơn và đáp lại bằng sách thơ. Đi buôn gì thời này cũng đã khó. Bảo tôi buôn thơ thì lời lãi làm gì có! Mừng là thi nhân và bạn bè ủng hộ mua cho. Thơ là thứ quà của chữ nghĩa mà!

Thành phố vừa kỷ niệm tuổi tròn nghìn năm. Người ta gắn biển cho rất nhiều những công trình nhưng với bộ sách Ngàn năm thương nhớ, cũng là một công trình văn hóa cần “gắn biển” trong tâm thức của mọi người.

Bây giờ sau cuộc trò chuyện, Gia Dũng lại khoác túi cuốc bộ ra đầu phố. Tuổi ngót thất thập rồi mà hình như lòng còn say sưa lắm. Lúc nào cũng bảo tuyển này dễ quyển cuối cùng lắm, nhưng thấy cứ băm bổ thế, hẳn còn sức lực đấy. Không biết lão đang đi về hướng nào và nghe nói đang làm “Dự án thơ” nào đấy. Thơ làm toàn tuyển mấy ngàn trang đóng hộp. Buôn thơ thời bão giá, lại giữa lúc thơ mất giá, lãi lời gì không? Nhưng lão không nghe tôi hỏi vọng. Lão đã lên đường. Quả là một người buôn thơ vĩ đại!

Tân Linh


(Source: Tin180 - Gia Dũng: Làm gì có lời lãi mà đi buôn thơ! - Văn học - Văn hóa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét