Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Chiếc khăn lương - Bản sắc văn hóa dân tộc trong nếp sống - Tin tức - Bình luận - Văn hóa

Khăn “lương”, khăn “xếp” hay khăn “đóng” là bộ phận cấu thành trong cách ăn nết mặc của người Việt, là một phần không thể thiếu trong bộ quốc phục “giày da, khăn điều, áo đoạn” của truyền thống Việt ta.

Chiếc khăn lương - Bản sắc văn hóa dân tộc trong nếp sống - Tin180.com (Ảnh 1)Quá trình hình thành thói quen đội khăn của người Việt bắt đầu từ nhu cầu cấp thiết của công việc hàng ngày phải có một cái gì đó đội đầu che nắng, che mưa để giữ gìn sức khỏe, tính mạng, chẳng hạn như nón lá kèm áo tơi, mũ lá, mũ sắt, mũ “cối” rồi khăn trùm đầu, vải che mặt, sà cạp quấn chân, tay, lâu dần những dụng cụ thiết yếu ấy trở thành những vật “trang điểm” trên người của mỗi cá nhân và bắt đầu từ phái nữ.



Phái nữ ta ngày xưa lấy vuông vải đen đội lên đầu chít nó lại, túm chỗ vải trước trán, beo beo nó, kéo nó lồi ra chút xíu, nhìn giống như một cái mỏ chim và, có lẽ vì khăn vải có màu đen giống như màu quạ đen nên gọi luôn thành tên là (chít) khăn mỏ quạ. Dần kinh tế khấm khá, giàu có lên nên các bà các cô độn tóc, cuốn khăn nhung đen, chít khăn mỏ quạ nhung đen lượt là, quý phái.



Phái nam, cũng xuất phát từ công việc hàng ngày, không để tóc lòa xòa vướng mắt, che tai, nên đã “xé” một miếng vải, cốt lấy chiều dài để buộc túm tóc lại, rồi thắt nút chặt trước trán, trông giống như đầu của cái rìu nên kiểu chít khăn này được gọi tên là chít khăn đầu rìu. Khăn đầu rìu đầu tiên làm bằng các loại vải thô mộc màu nâu để đi làm, còn lúc đi tiệc tùng, hội hè, đình đám thì chít khăn làm bằng loại vải nhiễu màu nâu đỏ hoặc tím. Dần dà chiếc khăn đầu rìu được cải tiến cho tương xứng với trình độ học vấn, văn minh và cũng là cách phân đẳng cấp, địa vị trong làng xã nên chiếc khăn đầu rìu cải tiến thành chiếc khăn “lương”. Khăn “lương” cũng được làm bằng loại nhiễu màu tía, nâu đỏ hay màu tím.



Cách chít khăn lương đã khác nhiều so với cách chít khăn đầu rìu ở chỗ, ngay lúc bắt đầu việc chít khăn, đầu miếng vải phải giữ sao để vòng vải đầu tiên quấn quanh đầu bắt chéo cho được hình kiểu chữ “nhân” (gốc chữ Hán) rồi tiếp tục quấn vải quanh đầu, cuối khăn giắt lại sau gáy, để giữ cho được chặt. Việc nam giới chít khăn đầu rìu rõ ràng là nhớ về cội nguồn lao động, tiếp đến là đội khăn lương bằng loại vải có tên là vải lương.



Cái tên “LƯƠNG” (khăn lương, vải lương) gắn với nghĩa chữ thiên lương, lương thiện, lương tâm. Đội khăn “lương” là đội trên đầu sự “lương thiện, lương tâm”, chẳng những thế khăn lương lại được xếp để vòng khăn đầu tiên có được kiểu chữ “NHÂN”. Chữ “nhân” trong chữ Hán đã Việt hóa có nghĩa là con người, là lòng nhân ái, là hạt nhân ngưng tụ, nơi tập hợp sức người, cũng là con người có lương tâm. Việc đội khăn lương, xếp chữ “nhân” đến giai đoạn phát triển này có mục đích, dụng ý giáo dục nhân cách rất rõ, rất cao thượng, rất con người, hết sức tôn vinh, tôn trọng con người. Sau này văn minh hơn, để tiện dụng người Việt đã làm sẵn chiếc khăn xếp (còn cách gọi khác là khăn đóng) và đã đi sâu thêm vào chi tiết kỹ thuật là xếp bảy tầng vải chồng lên nhau, tầng dưới cùng, bắt mối vải bắt chéo để có được chữ NHÂN.



Việc đội khăn “lương” xếp chữ Nhân nhắc nhở con người đội nó phải ý thức được việc nghiêm cẩn giữ lương tâm cao thượng, làm người. Phải học lại để biết những biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hóa dân tộc trong nếp sống, cách ứng xử do nghìn đời tổ tiên ta đã để lại, chắc chắn chúng ta sẽ không bị hòa tan trong không gian kinh tế thị trường.


( theo SGGP)


(Source: Tin180 - Chiếc khăn lương - Bản sắc văn hóa dân tộc trong nếp sống - Tin tức - Bình luận - Văn hóa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét