Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Làng chơi diều suốt 356 ngày trong năm - Tin tức - Bình luận - Văn hóa

Người người chơi diều, nhà nhà chơi diều, mỗi nhà ít nhất một con. Trừ những ngày giông bão hay mưa lũ hiếm hoi, còn lại ngày bình thường, người lạ vào làng sẽ không khỏi ngạc nhiên khi đi đâu cũng nghe mỗi thứ âm thanh vo vo, ù ù cả ngày lẫn đêm, kể cả Tết nhất.


Làng chơi diều suốt 356 ngày trong năm - Tin180.com (Ảnh 1)
Làng mê thả diều

Vừa qua giờ trưa, người người trong làng đổ ra đồng làm việc, họ không quên vác theo cả những con diều to nhỏ đủ loại, rồi thi nhau tháo dây, những cuộn dây dài phải đến vài trăm mét. Thanh niên chạy, người già đâm. Khi diều đã no gió rồi thì người ta mới chịu làm việc. Hình ảnh đó không có gì xa lại ở làng diều Song Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang.







Làng chơi diều suốt 356 ngày trong năm - Tin180.com (Ảnh 2)
Lòng đam mê và tiếng diều Song Vân là nét riêng
độc nhất vô nhị

Song Vân là một ngôi làng trung du, được bao bọc bốn bề là núi. Làng quê này còn nghèo lắm. Lối nẻo quanh co vào làng chủ yếu vẫn là đường đất. Tại đây, người dân trồng rất nhiều tre để làm tường ngăn cách giữa nhà này với nhà khác, nhưng quan trọng hơn, tre sở dĩ được trồng nhiều là để làm diều. "Bao đời nay dân tôi vẫn nghèo, vẫn chịu được nhưng không thể thiếu tiếng diều sáo" - cụ Lại, một trong những cao niên của Song Vân khẳng khái.


Cho đến bây giờ, Song Vân vẫn là ngôi làng thuần nông, người dân bận rộn hay nhàn nhã tùy vào mùa vụ nhưng chỉ mong có gió là thả diều. Từ trẻ con cho đến thanh niên, người già luôn có thói quen ngóng gió. "Người dân Song Vân chúng tôi ai cũng biết rõ thế nào là gió trên, gió dưới, gió quẩn, gió hanh heo hanh gió mang mưa tới. Ngóng gió và hiểu về gió nơi này đã ngấm sâu vào máu rồi. Lúc nào thấy diều kêu râm ran khắp xóm trên xóm dưới là biết ngay gió đông về và những ngày tới thời tiết đẹp" cụ Lại cho biết.


Cụ Lại kể rằng, từ thưở bé đã thấy người làng thả diều sáo rồi. Qua thời gian con diều sáo vẫn vậy. Thân diều làm bằng tre, sáo được làm từ ống mét, nứa. Chỉ có khác là áo diều ngày trước được phết bằng giấy tàu, bây giờ may bằng nilon, nhẹ và đẹp hơn. Tình yêu dành cho diều không đổi thay theo thời gian và theo thời cuộc. Vì thế, nhiều người phụ nữ ở đây không thích diều, thậm chí ghen với diều vì chồng mê mẩn nó quá. Có lẽ bởi vì thế mà người Song Vân vẫn nói rằng chơi diều là thú của đàn ông.


Chơi diều đã thành nét đẹp truyền thống của người dân Song Vân. Không ai biết người đầu tiên thả diều là ai, hay thú chơi này có từ thời nào. Chỉ có truyền khẩu lại cho nhau những câu chuyện như thể chỉ có trong sự tích. Cụ Lại kể, ngày xưa các cụ thích chơi diều to, thường làm những con dài 4 đến 5 mét. Làm được con diều lớn như vậy là sản phẩm của nhiều người. Chủ công trình phải mổ lợn, hoặc thịt chó thiết đãi những tay thợ mà anh ta mời đến giúp làm diều. Người chẻ tre vót nan làm cánh diều, người luộc dây tre non làm giây, để đủ giây cho một con diều lớn không bị tức dây, ít ra người ta phải đốn đến 6 hoặc 7 cây tre. Người thì lấy nhựa sung hoặc nhưa cây sán thuyền hoặc mủ quả hồng xiêm giã rồi quét lên giấy dó để làm áo cho diều. Tuỳ theo kích thước to nhỏ của diều mà gắn sáo cho phù hợp. Những diều cánh lớn hơn 4 mét người ta phải gắn cho nó cây sáo lớn bằng cái phích nước. Để chạy được cho diều lên, có khi phải cử đến vài ba thanh niên trẻ khỏe trong làng.


Những ngày cuối hè, khi chúng tôi đến với làng diều có một không hai này, tiếng sáo như thường lệ vẫn râm ran. Nhưng không như cha ông họ thích chơi diều to, người Song Vân giờ đã đốn cánh diều ngắn lại để tiện bề thả cũng như bảo quản. Không như ở Huế, mỗi con diều đèo hàng chục cây sáo, dân Bắc trung bộ lại chơi sáo đôi, người chơi diều Song Vân chỉ chơi duy nhất một diều một sáo.



Nghề chơi cũng lắm công phu


ở Song Vân, có cả CLB diều, ông Ngô Văn Bội là Chủ nhiệm CLB này. Nhắc đến diều Song Vân tất nhiên phải nhắc đến ông như là người chơi diều chuyện nghiệp và gần trọn cả cuộc đời gắn bó với cánh diều. Năm nay đã gần tới cái ngưỡng tuổi xưa nay hiếm ông vẫn miệt mài với cánh diều.


Cho đến bây giờ, ông cũng không thể nào mà đếm được mình đã làm ra bao nhiêu con diều. “Làm được một con nhiều phải qua rất nhiều giai đoạn, cũng kỳ công lắm chứ không phải chuyện đùa. Trước hết là đốn tre, phơi khô, nếu cong thì phải đốt lửa nắn cho thẳng. Cẩn thận hơn phải ngâm nước một thời gian dài chống mối mọt. Đâu vào đấy mới đem ra vót tỉ mẩn từng tý làm sao cho đôi nan ở hai cánh phải đều nhau. Buộc, may vá, rồi tìm ống làm sáo, gọt miệng, chọn mua giây Mỗi con diều từ lúc còn là cây tre ngoài ngõ đến khi bay được trên trời nhanh nhất cũng phải 2 ngày trời”, ông Bội nói. Hóa ra, làm diều chơi diều sáo lại lắm công phu đến thế.


Ở Song Vân không chỉ có một ông Bội mê chơi diều và có thể làm diều, gọt sáo. Cùng là lão làng trong giới chơi diều, ông Lĩnh chơi diều từ lúc còn trẻ chăn trâu. Tuổi nhỏ chơi diều nhỏ, từ những con diều bằng sải tay, rồi lớn lên thì chơi loại cỡ đại. Bây giờ, khi đã ở độ tuổi xế bóng, ông đã thuộc làu nguyên lý của diều mà trong quá trình chơi ông đã rút ra được làm thế nào để diều có lên lên thựng, ít chao và trụ lại trên trời lâu nhất.Vào những dịp chớm hè ông Lĩnh lại bận rộn với lịch làm việc dày đặc. Lũy tre của ông trồng ngoài ngõ ngày càng thưa đi. "Có năm, cả một lũy tre to tướng đầu ngõ thế mà vẫn không đủ, đốn cây non làm không đành, thế là phải mua cả tre của hàng xóm", ông Lĩnh kể.


Ở Bắc Giang cũng có nhiều địa phương có truyền thống chơi thả diều, nhưng chơi diều để ăn sâu vào máu thịt và coi đó như một thú chơi tao nhã thì gần như chỉ có Song Vân. Trên trời đủ kích cỡ các loại diều, đủ các tiếng sáo, sáo ồm, sáo trung, sáo mẹ, sáo con... Trời càng về khuya là lúc gió ổn định, diều được kéo xuống gần hết chỉ để lại vài cái có tiếng sáo hay để mọi người cùng thưởng thức. Các cụ già, cả thanh niên lại trải chiếu giữa sân cùng chung chén trà rồi thi nhau bình phẩm về tiếng sáo.


Gần trọn cả cuộc đời gắn bó với cánh diều, tiếng sáo, ông Lĩnh tâm sự: "Làm ra thì vô kể nhưng để có chiếc sáo để đời thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. May mắn thay mình cũng có mấy chiếc được đánh giá là có tiếng kêu cực hay. Có người làm cả đời mà không có nổi lấy một chiếc kêu ra hồn”.


Bộ đồ nghề của ông mới thật độc đáo, cũng có lưỡi để bào, lưỡi dùng để khoét, lưỡi dùng để múc, lưỡi dùng để chích..., có điều tất cả chúng đều được tự chế bằng thép, hay thậm chí là các vỏ đạn hồi còn đi bộ đội nhặt về rồi tự tạo. Dân ở đây ai cũng thuộc làu làu câu: "Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân". Cái khổ của người chơi diều là khi diều lên thì mỏi cổ vì ngắm. Diều đổ hay còn gọi là sập thì mỏi chân đi tìm diều, thu dây. Vất vả là thế nhưng chưa thấy ai nói chán thú chơi diều cả.


Nguyễn Quang
(theo doisongphapluat)


(Source: Tin180 - Làng chơi diều suốt 356 ngày trong năm - Tin tức - Bình luận - Văn hóa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét