Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Lúng túng giữa bảo tồn và phát triển đô thị - Tin tức - Bình luận - Văn hóa

Tọa đàm “Khảo cổ học TP.HCM trong quá trình đô thị hóa” vừa diễn ra sáng 26-11 do Sở Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với Bảo tàng TP.HCM tổ chức, đã quy tụ 13 bản tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khảo cổ, kiến trúc, văn hóa đô thị... để bàn về những khả năng đóng góp của khảo cổ học vào quá trình hiện đại hóa đô thị hiện nay.





Lúng túng giữa bảo tồn và phát triển đô thị - Tin180.com (Ảnh 1)

Nhà nghiên cứu Lý Lược Tam đến từ An Giang xem hiện vật chiếc đầu ngựa đá có niên đại thế kỷ 9-10, tìm thấy tại chùa Vạn Đức, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: L.Điền


Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đặt vấn đề cần “duy trì bản sắc và hồn đô thị TP.HCM trong cơn lốc đô thị hóa”. Theo ông, “mỗi thành phố dù hiện đại cách mấy cũng phải giữ cho được bản sắc của mình, và hồn đô thị chính là quá khứ được lưu giữ một cách có chọn lọc”.


Từ đó, ông đề xuất lãnh đạo TP.HCM cần giữ lại cái lõi của Sài Gòn, đó là “khu trung tâm lịch sử của thành phố”. Giáo sư Lê Xuân Diệm cũng đặt vấn đề ngành khảo cổ cần có quy hoạch, phải tổ chức điều tra cơ bản để xem nơi nào có thể là di chỉ khảo cổ, có như thế mới gắn khảo cổ với quy hoạch đô thị.


Nhiều nhà khảo cổ cũng bày tỏ sự lo ngại về hai di chỉ khảo cổ quan trọng của TP.HCM là Giồng Cá Vồ (Cần Giờ) và lò gốm Hưng Lợi (Q.8) đến nay vẫn chưa có kế hoạch bảo quản và có nguy cơ biến mất.


Trong khi đó, chị Tú Anh - một nhà sưu tập tư nhân - bày tỏ sự tiếc nuối về khu Eden: “Đây là khu phố mà những người bạn nước ngoài của tôi gọi là “di sản của Sài Gòn” (Sài Gòn heritage) nhưng hiện nay đang bị đập mất rồi”. Nhiều chuyên gia đồng ý rằng chúng ta đang lúng túng trong giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển đô thị.


Nhân tọa đàm này, Bảo tàng TP.HCM cũng khai mạc triển lãm chuyên đề các hiện vật có được từ các cuộc khai quật khảo cổ học tiền sử và khảo cổ học lịch sử trên địa bàn thành phố. Có 120 hiện vật được trưng bày, bao gồm nhiều cổ vật từ thời tiền sử, Óc Eo với nhiều chủng loại. Triển lãm kéo dài đến 26-12-2010.


Lam Điềm
(theo tuoitre)


(Source: Tin180 - Lúng túng giữa bảo tồn và phát triển đô thị - Tin tức - Bình luận - Văn hóa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét