Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Nghệ sĩ thờ ơ với xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT, vì sao? - Nghệ sỹ - Văn hóa - Tiêu điểm

Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (USUT) đã chính thức khởi động ở cấp Hội đồng xét duyệt cơ sở trong cả nước bắt đầu từ ngày 10/10.

Dù đã gần đến cuối tháng 11, thời hạn “chốt” danh sách đề cử xét duyệt cấp sở, nhưng tại TP HCM, hầu như các cơ sở đều không mấy mặn mà với việc xét tặng này. Vì sao một danh hiệu cao quý cho những người làm nghề lại bị chính họ thờ ơ?

Không thích, không quan tâm?

Khi hỏi về việc lập hồ sơ để xét phong tặng danh hiệu nghệ sĩ, NSƯT Thành Lộc (thuộc đơn vị Sân khấu Idecaf) cho biết anh quá bận để quan tâm đến việc đó. Và rằng việc xét tặng này đã không còn mang nhiều ý nghĩa đối với người làm nghề.

“Thời gian quan tâm việc này, tôi dành để làm khối việc khác có ích hơn”, anh cho biết. Tương tự, NSƯT Hồng Vân (thuộc sân khấu kịch Phú Nhuận) cũng tỏ ra khá thờ ơ với việc này. “Phong tặng hay không cũng không quan trọng lắm. Được khán giả công nhận vẫn là điều quan trọng nhất”, chị chia sẻ. Còn ca sĩ Ánh Tuyết thì thẳng thắn: “Đừng hỏi tôi việc này, tôi không quan tâm và cũng không thích cho lắm”.

Diễn viên L.K, một nghệ sĩ trẻ nhưng đã có những đóng góp không nhỏ cho các sân khấu kịch thì bày tỏ một sự bức xúc khác. Theo L.K, có nhiều nghệ sĩ tuy tuổi đời ít nhưng tuổi nghề cao, nhưng hầu như không được chú trọng, nên mới thấy tại Việt Nam, các NSƯT, NSND toàn… người già!

Là vinh danh, không phải xin - cho

Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều mang trạng thái tương tự, dù đúng ra, được Nhà nước phong tặng danh hiệu là sự hãnh diện với bất cứ ngành nghề nào, nhất lại là nghệ sĩ. Nhưng, với thủ tục còn nặng tính xin - cho hơn là công nhận và vinh danh, sự thờ ơ này không có gì là quá khó hiểu.








Nghệ sĩ thờ ơ với xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT, vì sao? - Tin180.com (Ảnh 1)


Một người hội đủ tiêu chuẩn để phong tặng danh hiệu NSND như Thành Lộc cũng thờ ơ.

“Các Hội đồng xét chọn cần phải coi việc xét chọn là sự vinh danh của Nhà nước đối vối công lao đóng góp của nghệ sĩ, chứ không phải đó là thứ bổng lộc ban phát hay nghệ sĩ cố gắng có được danh hiệu để vinh thân”, ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL tại TP HCM, nhận xét. Tinh thần là thế, nhưng việc thực hiện thì không hẳn thế.

Thực tế, với quy chế mới năm nay, nhiều nghệ sĩ tự do sẽ không còn phải “núp bóng” các đơn vị nhà nước mà đường hoàng chính danh được bình xét như các đối tượng khác. Song, sự “phân biệt” vẫn còn. Đó là chưa kể quy định bắt buộc các nghệ sĩ tự do (kể cả nghệ sĩ nghỉ hưu) phải tự kê khai thành tích, sau đó "xin” xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú, một thủ tục rườm rà đã được nói trong các đợt trước nay vẫn tiếp tục áp dụng.

Bên cạnh đó, việc quy đổi giải thưởng từ giải quốc gia đến giải ở các hội diễn vẫn còn khá rối rắm, và khó tránh khỏi tình trạng nghệ sĩ đạt “chuẩn danh hiệu” nhưng lại nằm ngoài sự công nhận của công chúng. Hay ngược lại, có không ít nghệ sĩ tài năng, nhiều đóng góp và được công chúng thừa nhận lại nằm ngoài danh sách được phong tặng vì thiếu danh hiệu.

Võ Hà
(theo baodatviet)


(Source: Tin180 - Nghệ sĩ thờ ơ với xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT, vì sao? - Nghệ sỹ - Văn hóa - Tiêu điểm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét