Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Vòng đời quẩn quanh - Truyện ngắn - Văn hóa


Giám đốc Công thấy trong người khó ở, thở khó, ngón chân, ngón tay đau nhức nên bảo lái xe Tương đưa ông đi bệnh viện. Sau khi khám tim, chụp phổi, thử máu và nước tiểu xong, bác sĩ kết luận Giám đốc Công bị bệnh gút, vì vậy phải ăn kiêng, không được uống bia, ăn chất béo và chất đạm, đặc biệt là thịt chó.


Vòng đời quẩn quanh  - Tin180.com (Ảnh 1)
Minh họa của Đỗ Dũng.


Thông tin Giám đốc Công bị bệnh gút phải ăn kiêng, tuyệt đối không được đả động đến thịt chó nhanh chóng đến tai ông trưởng phòng hành chính. Ông lập tức xuống nhà bếp dặn dò đầu bếp phải thế này, thế này...


Như thường lệ, vào lúc 11h30’, giám đốc Công xuống nhà ăn của cơ quan. Vốn quen ăn những món đặc sản, nhất là thịt chó nhưng nhìn thấy trên bàn ăn dành riêng cho giám đốc toàn những món ăn dân dã, rau muống luộc vắt chanh; đậu phụ luộc, đậu phụ rán, đậu phụ sốt cà chua thì giám đốc Công cứ thấy lợm giọng, như thể là mấy bà đang nghén, nhìn thấy cơm là oẹ.


Ngửa mặt lên thở dài, chợt nhìn thấy cái khẩu hiệu treo ở vị trí trang trọng trên tường "Ăn đậu phụ là khỏe mạnh và thông minh!", Giám đốc Công bắt đầu cầm đũa. Ông gẩy gẩy mấy miếng đậu rán, chọn miếng nhỏ nhất gắp cho vào mồm, nhai một cách thong thả. Lạ miệng, ăn được, ông gắp đến đậu sốt, rồi đến đậu luộc, cứ thế ông ăn khá ngon miệng bữa cơm của một nhà tu hành chính thống. Lúc đứng lên, Giám đốc Công tự bảo, ồ hay, hóa ra cái khẩu hiệu đánh đòn tâm lý vào cái miệng và cái dạ dày của mình khá hiệu quả. Lại thầm nhủ, cái tay trưởng phòng hành chính mê thịt chó hơn mê vợ thế mà nghĩ ra được cái trò này thì quả là thông minh. Người này biết chiều lòng thủ trưởng, tâm đầu ý hợp, có thể cất nhắc trọng dụng được!


Nhìn thấy mâm Giám đốc Công ăn toàn đậu phụ nên bữa trưa hôm sau, mâm của phó giám đốc, mâm của chủ tịch công đoàn, mâm của các trưởng, phó phòng cũng bắt đầu lấy món đậu phụ làm món ăn chính thống. Trưa hôm sau nữa, trên mâm cơm của rất nhiều nhân viên cũng đã thấy xuất hiện rất các món đậu phụ. Phản ứng ăn đậu phụ dây chuyền nhanh chóng biến thành phong trào ăn đậu phụ để cho khỏe mạnh, thông minh trong khắp cơ quan và đi vào nề nếp. Ông trưởng phòng hành chính còn đưa việc ăn đậu phụ bổ sung vào quy chế của cơ quan.


Tất nhiên ở đời không có gì là trọn vẹn, việc cơ quan chuyển từ ăn thịt, ăn cá sang ăn đậu phụ cũng gây nên nhiều chuyện bất cập. Ông trưởng phòng hành chính do thể tạng gầy yếu, nay tích cực ăn đậu phụ nên bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, mỗi lần đứng lên ngồi xuống lại bị hoa mắt, chóng mặt, có lần đang đi tiểu trong nhà vệ sinh, ông đâm bổ cả vào cái nơi đi đại tiện. Lại có lần đang đi ở cầu thang, ông loạng choạng, may mà bám được vào váy của cô văn thư, nếu không đã què tay, sưng trán. Cô văn thư mắng ông già rồi mà còn "dê", ông thanh minh ấy là do ông bị chóng mặt chứ nào có chủ ý. Vốn rất ghét ông đã phát động phong trào ăn đậu phụ làm cho cô cũng phải ăn theo nên cô văn thư bĩu cặp môi mỏng như lá lúa: "Cho chết, ai bảo nốc lắm đậu phụ vào". Ô thế này thì nó khinh mình quá, ông trưởng phòng hành chính không còn kiềm chế được cơn nóng giận, ông chỉ vào mặt cô văn thư bảo rằng, cái tay giám đốc nó xơi lắm thịt chó nên dâm dật, nó hay gọi cô lên phòng ký cọt công văn. Ký công văn cái chó gì, có mà "ký" vào dưới cái rốn cô một gang thì có! Thôi rồi, kẻ cắp gặp bà già, cả hai chả ai bảo ai thêm một câu nào nữa, lủi nhanh về phòng mình.


Để phòng tránh căn bệnh hoa mắt, chóng mặt, ông trưởng phòng hành chính đã nghĩ ra được kế sách hoàn hảo, ông vẫn ăn cơm trưa với đậu phụ ở nhà bếp nhưng khi lên phòng làm việc, chốt cửa xong, ông lại lôi trong tủ lạnh ra lon bia nhấm nháp với khoanh giò lụa hay cái đùi chó luộc.


Ông phó giám đốc, người vốn coi đậu phụ là kẻ thù không đội trời chung với cái miệng và dạ dày của mình thì đối phó bằng cách, ông bảo nhà bếp dọn riêng cho mình một bàn ở góc xa xa. Tất nhiên đậu phụ bày đầy trên bàn nhưng ông chỉ ăn cá, thịt, tôm ở dưới lớp đậu phụ mà đầu bếp đã khôn khéo ngụy trang cho ông. Cuối bữa, ông trút hết món đậu phụ xuống cái thùng rác dưới chân bàn, thành ra khi ông đứng lên, thấy các món ăn đậu phụ trên bàn ông đều hết nhẵn thì mọi người không ai bảo ai, đều cố ăn không để sót miếng đậu phụ nào dù nhỏ như cái đầu ngón tay út trong bát, đĩa. Chuyện phó giám đốc đổ các món ăn đậu phụ vào thùng rác được mật báo đến tai Giám đốc Công. Giám đốc bảo thằng ấy thế mà đểu, trước mặt thì xoen xoét nịnh bợ, nhờ học tập ăn đậu phụ theo anh mà em cũng béo khoẻ ra, thậm chí cái khoản kia cũng được vợ khen là tiến bộ vượt bậc. Thế mà dám đổ đậu phụ vào thùng rác? Vậy thì tao cũng vứt cái lời hứa cho mày là người kế cận vào sọt rác!


Phật dạy, tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe. Ông trưởng phòng hành chính nhờ có sáng kiến tạo ra phong trào ăn đậu phụ trong cơ quan mà được bổ nhiệm làm phó giám đốc thường trực, qua mặt luôn ông phó giám đốc hay đổ lén đậu phụ vào thùng rác. Phó phòng hành chính - người có thể ăn đậu phụ trừ bữa được đề bạt lên chức trưởng phòng.


Những tưởng ăn đậu phụ, hạn chế được bệnh gút, sức khỏe khá hơn, Giám đốc Công sẽ sống lâu trăm tuổi, nhưng sức khỏe và tuổi thọ là hai mệnh đề tưởng có liên quan mật thiết với nhau song lại hoàn toàn tách bạch. Có người nằm liệt giường liệt chiếu hàng chục năm, chỉ ăn tí cháo, đến con cháu cũng phải "sốt ruột" nhưng cụ vẫn cứ nằm đấy! Có người khỏe mạnh, bữa ăn mấy bát cơm, đang đi bộ trên vỉa hè bị một thằng choai choai phóng xe máy bạt mạng lao lên cả vỉa hè, tông vào, chết không kịp để lại một lời trăng trối. Mà hình như mỗi người cũng có một kiểu chết đã được định đoạt trước. Có người chết đuối, có người chết vì bệnh tật, có kẻ chết vì tai nạn giao thông; người thì chết ở nhà, người thì chết ở xa nhà; kẻ chết ban đêm, người chết ban ngày; có người khi chết vẫn còn tỉnh táo, trăng trối đủ điều rồi mới nhắm mắt, có kẻ chết trong hôn mê; có người chết thì nhắm mắt ngay còn có kẻ chết mãi mà không nhắm mắt được. Giám đốc Công cũng là người, mà đã là người thì có thể làm ra sức khỏe chứ không thể làm ra số phận. Cái chết của Giám đốc Công âu cũng là do số mệnh quyết định.


Ngày ấy là ngày hoàng đạo, tốt cho việc xuất hành, Giám đốc Công bảo lái xe đưa về quê chơi. Vốn là nông dân nên cái bản chất cố hữu của nông dân trong Giám đốc Công vẫn còn, ấy là ông thích đái đồng cho mát mẻ nên bảo lái xe dừng ở trên đường làng, hai bên có hai hàng thông vi vu gió thổi. Giám đốc Công vạch quần, đái tồ tồ xuống sông. Đang đái thì thế quái nào Giám đốc Công bị một con chó thả rông xơi ngay một miếng vào bắp chân, máu chảy ròng ròng. Vào làng tra hỏi mãi, mới biết được chủ nhân của con chó. Chủ nhân vừa đi cày về, quần xắn móng lợn, đương nhiên là nông dân chân lấm tay bùn, thật thà chất phác nhưng ít học nên hiểu mọi cái đều đơn giản, thậm chí ngu ngốc. Giám đốc Công hỏi chủ nhân, con chó có bị điên không thì được chủ nhân khẳng định con chó tuy không được tiêm phòng bệnh dại nhưng hoàn toàn khỏe mạnh, ngay cả thịt của đồng loại nó cũng có thể xơi hết cả một nồi to. Giám đốc Công hỏi làng này có con chó nào bị điên chưa? Chủ nhân bảo có vài con nhưng đều bị đập chết ngay tức thì.


Giám đốc lại hỏi, thế làng này đã có ai bị chó điên cắn chưa? Chủ nhân bảo, làng có chó điên, hà tất phải có người bị chó điên cắn, nhưng chưa một ai bị chết. Chủ nhân còn thề sống thề chết nếu Giám đốc Công có mệnh hệ gì thì mình sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Giám đốc Công bảo với chủ nhân của con chó: "Ơ hay, nếu tôi bị điên thì ông điên thay hả?". Chủ nhà bảo: "Vâng, em sẽ điên thay bác, mà điên khéo còn sướng hơn ấy chứ". "Hả?". "Vâng, sống với con vợ vừa già vừa xấu, mở mắt ra là thánh ca bài tiền đâu thì không điên mới là chuyện lạ!".


Tin lời chủ nhà của con chó, hơn nữa nghe nói đi tiêm vắc-xin phòng dại không khéo của quý sẽ bị tịt ngòi, mà đã tịt thì sống cũng như chết nên Giám đốc Công quyết định không đi tiêm phòng. Hơn nữa, Giám đốc Công nghĩ rằng, dòng dõi nhà mình, từ cụ tổ bảy, tám đời trở lại đây đều sống trên tám mươi tuổi mới chết thì không lẽ gì mình lại có thể ra đi trước cái tuổi sáu mươi! Không đi tiêm, quyết không đi tiêm phòng! Giám đốc Công lại càng quả quyết với việc không tiêm phòng của mình. Thế nên chỉ ít ngày sau thì người Giám đốc Công cứ lờ đờ như thằng nghiện, tiếp tới, miệng giám đốc đùn ra đầy bọt mép. Thêm một buổi nữa thì Giám đốc Công gầm gừ, cắn nhau với cả con chó giữ nhà của mình. Gia đình Giám đốc Công kinh hồn, bạt vía, muốn đưa giám đốc đi bệnh viện nhưng hễ cứ lại gần là giám đốc lại gầm gừ, nhe răng nên chẳng ai dám vào. Cuối cùng phải thuê hai thằng nghiện, tất nhiên hai thằng này đang bị HIV giai đoạn cuối nên không còn sợ chết mà chỉ sợ không có tiền để chích choác nên chúng nhận lời ngay với cái giá một triệu.


Hai thằng nghiện, người dẹt, trông như bộ khung người di động, gió to có thể thổi bay, ấy thế mà chúng khỏe ghê gớm, chỉ vài động tác chúng đã trói quặt hai tay người điên ra đằng sau rồi kéo ra xe cứu thương đang hụ còi chờ sẵn. Tiền, rất nhiều tiền đã được ra giá với các bác sĩ để cứu lấy người điên nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu tuyệt vọng. Hai hôm sau thì Giám đốc Công ngàn thu vĩnh biệt tại một bệnh viện nổi tiếng.


Cái chết đường đột của Giám đốc Công, lại là cái chết bất bình thường đã trở thành câu chuyện sôi nổi nhất trong cơ quan. Người ta bảo rằng sinh nghề tử nghiệp nhưng Giám đốc Công lại "sinh cẩu tử chó!", âu cũng là số phận cả!


Cái gì, việc gì dù là sung sướng tột độ hoặc đau buồn đến tận cùng thì cũng nguôi ngoai theo dòng chảy của thời gian. Cái chết của Giám đốc Công rồi cũng bị lãng quên. Trong cơ quan, phó giám đốc thường trực lên thay giám đốc cũ. Bữa cơm trưa đầu tiên của tân giám đốc ở nhà ăn cơ quan, ông ăn rất ngon miệng vì có bia và món ăn mà ông khoái khẩu nhất, thịt chó luộc, thịt chó hấp, thịt chó xào rựa mận, xương chó nấu măng. Đang ăn bỗng nhiên giám đốc mới bị nghẹn. Thì ra ông rất xúc động khi nhìn thấy cái khẩu hiệu mới treo trang trọng trên tường: "Ăn thịt chó bổ dưỡng và thông minh!"


Thịt chó rất nhiều đạm, là kẻ thù không đội trời chung với người bị bệnh gút. Người bệnh chỉ cần ăn vài miếng thịt chó vào là biết tay nhau ngay, khớp các ngón chân, ngón tay đau nhức, sưng tấy. Nghe bác sĩ giải thích, Giám đốc Công có vẻ rất buồn, nỗi buồn này có thể ví như người vợ đang căng tràn sức sống nhưng trong đêm đông giá lạnh lại phải ôm anh chồng bất lực. Điều này cũng dễ hiểu vì sở thích ăn thịt chó của Giám đốc Công là một sở thích "cha truyền con nối".


Cụ nội của Giám đốc Công có thể ăn thịt chó thay cơm. Có lần cụ ăn năm bữa thịt chó trong ngày, bị ỉa chảy cấp tính phải đi cấp cứu nằm viện mất mười ngày. Những tưởng sau đấy cụ sẽ hãi thịt chó đến chết, nào ngờ vừa xuất viện buổi sáng thì buổi trưa đã thấy cụ nhắm rượu với thịt chó ở nhà lão Tàm. Mồm nhồm nhoàm nhai thịt chó, cụ bảo sống ở đời mà không được thưởng thức cái món thịt cầy thì thà chết còn hơn. Vậy nên vừa mới từ cõi chết trở về, cụ đã lại xơi. Cụ cũng có ý thức truyền bá lại cho con cháu cái sở thích ăn thịt chó, ngoài mục đích để tăng cường sức khỏe, còn đặt niềm tin có nhiều cháu, chắt, chút, chít mang giống đực nối dõi tông đường mãi mãi.


Ông nội của Giám đốc Công, vào cái thời bao cấp, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông là đi khắp làng trên xóm dưới xem nhà nào có con chó mỡ màng là thông báo cho chủ nhiệm hợp tác xã xuất thóc trong kho đổi chó về để liên hoan đánh chén. Trong một năm, kho thóc của hợp tác xã hao đi hơn chục tấn thóc cũng chỉ vì thịt chó. Tất nhiên, khi lập chứng từ, sự hao hụt thóc này được ông chủ nhiệm hợp tác xã đưa vào danh mục cứu trợ cho những gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ hoặc hộ nghèo.


Bố của Giám đốc Công nghiện thịt chó đến mức ở làng có con chó điên cắn người, người bị điên, chó lăn ra chết, thế mà ông xin con chó về giết thịt. Cả nhà kêu khóc can ngăn, ông bảo chó điên đại bổ, ăn vào chẳng những không bị điên mà còn thông minh ra. Chả biết ăn chó điên thì sẽ thông minh thật hay không nhưng quả là sau đó, bố của Giám đốc Công nghĩ ra được rất nhiều mưu kế để lừa tiền và lừa tình của đám đàn bà, con gái trong làng và các vùng phụ cận. Thậm chí vợ của chủ tịch xã còn cuỗm sạch số tiền mà chồng tham ô được rủ bố Giám đốc Công bỏ nhà trốn vào Sài Gòn sinh sống. Đến khi hết tiền, đôi nhân tình này trở về quê thì cũng là lúc cái bụng của vợ chủ tịch xã đã... vượt mặt.


Dĩ nhiên với bề dày truyền thống thích ăn thịt chó của gia đình như vậy thì việc cu Công mới năm tuổi ăn hết hai bát tô đầy rựa mận thịt chó trong sự thán phục của người làng cũng là chuyện thường tình. Và khi lớn lên, trở thành giám đốc, Công thường xuyên đến làng thịt chó Nhật Tân âu cũng là chuyện thường tình.



Truyện ngắn của Vũ ĐảmV.Đ.


(Source: Tin180 - Vòng đời quẩn quanh - Truyện ngắn - Văn hóa )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét