Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Bắc Hà: Nguy cơ mất nghề làm thổ cẩm - Tin tức - Bình luận - Văn hóa

Nhiều du khách đến vùng cao Bắc Hà đi chợ thổ cẩm có tâm lý muốn mua rẻ. Nhưng nếu họ biết người phụ nữ Mông đã bỏ ra bao nhiêu công sức, nếu họ hiểu rõ quy trình làm thổ cẩm tỉ mỉ thế nào, họ sẽ không mặc cả nữa. Có thể nói trang phục của phụ nữ Mông Hoa xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật. Đến với cao nguyên trắng Bắc Hà trong những ngày này, đi bất cứ đâu, hình ảnh đầu tiên người ta bắt gặp là thiếu nữ Mông Hoa trong trang phục thổ cẩm rất bắt mắt. Nhìn từ trên cao xuống thiếu nữ Mông đẹp như những cánh bướm rực rỡ trong nắng.



Bắc Hà: Nguy cơ mất nghề làm thổ cẩm - Tin180.com (Ảnh 1)

Thiếu nữ Mông Hoa và trong trang phục thổ cẩm rực rỡ
Nghệ thuật làm thổ cẩm

Nghệ thuật tạo hình dân gian của người Mông Lềnh (Mông Hoa) ở Bắc Hà được thể hiện rõ nét nhất ở trang phục và đồ dùng sinh hoạt của đồng bào. Song, trang trí y phục có vị trí quan trọng nhất trong nghệ thuật tạo hình dân gian, đặc biệt là trang trí trên váy, áo thổ cẩm.

Ở Bắc Hà, người dân tộc Mông chiếm gần 48%, cư trú chủ yếu ở khu vực trung tâm và thượng huyện Bắc Hà. Phụ nữ Mông Bắc Hà xưa nổi tiếng giỏi xe lanh, dệt vải, nhuộm chàm, khâu vá, thêu đan tạo nên các bộ trang phục thổ cẩm độc đáo.

Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa ở Lào Cai gồm có khăn, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che trước váy, thắt lưng, xà cạp... Khăn của phụ nữ Mông Hoa có hai loại: khăn hình chữ nhật khổ 65x40cm thêu hoa văn trùm lên đầu, một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu. Phụ nữ Mông thường mặc váy rộng xòe phần thân và chân để tạo sự hài hòa cân đối với chiếc khăn to trên đầu. Áo của phụ nữ xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu in hoa văn hình con ốc. Thắt lưng của phụ nữ Mông là miếng vải rộng khoảng 7-8cm, dài từ 80-120cm. Đoạn giữa thắt lưng được thêu các hoa văn rực rỡ. Thắt lưng tôn thêm vẻ đẹp nữ tính cho các thiếu nữ, phụ nữ người Mông.



Bắc Hà: Nguy cơ mất nghề làm thổ cẩm - Tin180.com (Ảnh 2)

Phụ nữ Mông Hoa mất cả năm trời để tạo nên một bộ trang phục thổ cẩm hoàn chỉnh
Để làm xong một bộ váy thổ cẩm mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người làm phải rất kiên nhẫn, tỉ mỉ. Khi còn nhỏ các bé gái Mông đã được mẹ dạy cách thêu, cách in sáp ong lên váy và cách chắp vải. Với ba kỹ thuật đó, họ đã tạo nên những trang phục tuyệt đẹp.

Đặc biệt, người Mông thêu hoa văn không cần mẫu. Họ hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng và trí nhớ để thêu. Trước khi thêu, người phụ nữ thường tính toán tỷ mỷ từng đường kim mũi chỉ, kích thước hoa văn trên mảnh vải để bố trí cho hợp lý, hài hòa. Kỹ thuật thêu hoa văn khá phức tạp vì khi thêu ở mặt trái của sợi vải nhưng hình mẫu lại nổi lên ở mặt phải, đòi hỏi người phụ nữ phải rất kiên trì, cẩn thận. Chỉ dùng để thêu thường là sợi tơ tằm, loại sợi to, bền màu.

Phụ nữ Mông còn dùng kỹ thuật in sáp ong để tạo hoa văn cho trang phục. Công cụ dùng vẽ mẫu in sáp là bút vẽ được làm bằng đồng. Có nhiều loại bút nhằm tạo các nét có kích thước to nhỏ khác nhau. Khi vẽ xong thì đem vải đã in sáp ong nhuộm chàm. Sau nhiều lần ngâm, nhuộm, khi vải đã có màu sẫm thì đem nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ trôi đi, để lại những hoa văn màu xanh lơ...


Bắc Hà: Nguy cơ mất nghề làm thổ cẩm - Tin180.com (Ảnh 3)

Sản phẩm thổ cẩm trong phiên chợ Bắc Hà
Họa tiết hoa văn trên nền trang phục Mông chủ yếu là các hoa văn hình học, đó là những hình ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi... Ở Bản Phố, phụ nữ thường trang trí các hình hoa văn cong hình sừng trâu, con vật trong các lễ hiến tế người chết. Đặc biệt, trong một số mũ của các em gái có thêu hình xoắn ốc, nhưng thực ra đó chính là hình chữ “S” nằm ngang.

Bảng màu nhuộm vải của người Mông chủ yếu có 5 loại: đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Người Mông Bản Phố thường nấu vải trong nước tro bếp cho thật trắng và phơi trên phiến đá phẳng, lấy vồ gỗ đập để vải cho bóng mịn. Sau khi nhuộm chàm, áo váy còn được ngâm vào nước có pha lòng trắng trứng gà để cho mặt vải bóng loáng lên, tươi màu. Nhìn chung, màu sắc nổi bật trong trang phục của người Mông ở Bản Phố là màu đỏ. Màu đỏ phối hợp với màu vàng và màu trắng nhằm tạo sự tương phản với nền chàm.

Để làm một bộ trang phục thổ cẩm phải mất cả năm trời, giá bán bộ này bây giờ lên tới 5-7 triệu đồng/bộ.

Hàng công nghiệp "chèn ép" hàng thủ công

Nghệ thuật tạo hình dân gian trên trang phục thổ cẩm thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ Mông Hoa. Đây là những giá trị văn hóa mang tính thẩm mỹ cao, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông Hoa ở Lào Cai.



Bắc Hà: Nguy cơ mất nghề làm thổ cẩm - Tin180.com (Ảnh 4)

Người nước ngoài rất thích lùng bộ váy Mông Hoa được làm thủ công hoàn toàn
Thế nhưng, hiện nay, không còn nhiều thiếu nữ Mông biết xe lanh, dệt vải, nhuộm chàm theo lối truyền thống nữa bởi thị trường đã xuất hiện nhiều trang phục thổ cẩm… được sản xuất theo lối công nghiệp. Trang phục làm bằng vải bông, giá từ 400 - 500 ngàn đồng/bộ. Và rõ ràng, khi đời sống của người Mông được nâng lên, có tiền mua sắm, phụ nữ ít tự làm trang phục thổ cẩm cho mình là điều dĩ nhiên. Song điều đó dẫn tới nguy cơ mai một nghề truyền thống. 20 hay 30 năm nữa có lẽ trang phục thổ cẩm phụ nữ Mông Hoa làm bằng vải lanh, đay tự xe, thêu thùa, khâu vá, dệt, nhuộm chàm được chế từ lá cây ấy từ các khu rừng… sẽ trở thành “hàng hiếm”, và trở thành “cổ vật” chỉ còn được trưng bày trong bảo tàng…

Nay chỉ còn phụ nữ trung niên và các cụ già còn làm trang phục thổ cẩm cho mình theo lối đó. Và những bộ trang phục thổ cẩm này luôn được khách du lịch quốc tế quan tâm, săn lùng và sẵn sàng trả giá cao. May ra đây là động lực để phụ nữ Mông quay trở lại làm trang phục thổ cẩm theo lối truyền thống.


Bài và ảnh: Tráng Xuân Cường
(theo thethaovanhoa)

(Source: Tin180 - Bắc Hà: Nguy cơ mất nghề làm thổ cẩm - Tin tức - Bình luận - Văn hóa )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét