Thứ Hai, 21 tháng 6, 2010

Sân khấu Sài Gòn: Chuyên nghiệp hay... phường hội? - Tin tức - Bình luận - Văn hóa

Sân khấu TP.HCM vừa có những nhà quản lý... cũ cho nhiệm kỳ mới sau đại hội lần 6 vừa kết thúc. Những vấn đề tồn tại trong làng sân khấu cũng vậy, vẫn cũ và chưa xong, nhiệm kỳ mới lại tiếp tục... giải quyết.

Cơ chế thị trường đã tạo ra không gian để các sân khấu của TP.HCM, đặc biệt là những đơn vị xã hội hóa tiếp cận trực tiếp với khán giả. Nó xác lập nguyên lý không có khán giả thì không có sân khấu, đồng thời xác lập luôn một loại hàng hóa đặc biệt là sản phẩm sân khấu.







Sân khấu Sài Gòn: Chuyên nghiệp hay... phường hội? - Tin180.com (Ảnh 1)

Lý luận phê bình sân khấu là khâu yếu nhất, đặc biệt ở mảng cải lương. (Ảnh chụp tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009). Ảnh: Đỗ Hạnh


Thế nên, những vở diễn của hầu hết các tụ điểm sáng đèn thường xuyên tại TP.HCM hiện đều tập trung vào yếu tố giải trí để bán được vé. Chỉ đến những dịp liên hoan, hội diễn, các đơn vị mới dàn dựng những vở chú trọng chất lượng tư tưởng và nghệ thuật để... thi đấu.


Thực tế này cho thấy, sân khấu TP.HCM chưa có những tính toán chiến lược, tổng thể trong tiến trình xã hội hóa. Các sàn diễn ra đời thừa tự phát, thiếu quy hoạch, khan hiếm kịch bản, bị động diễn viên... Trong dáng vẻ năng động của mình, sân khấu TP.HCM ẩn chứa sự thiếu bền vững và nhiều yếu tố rủi ro.


Những nhà quản lý của nhiệm kỳ cũ thừa nhận: Tính chất phường hội trong hoạt động sân khấu đang ngày càng hiện rõ. Sự hợp tan của các đơn vị làm nghề, của kịch mục, của dàn diễn viên có thể xảy ra bất cứ lúc nào.


Trong sự phát triển không đồng bộ về quản lý, sáng tác, đào tạo nhân lực... những thành phần cùng vận hành cỗ máy sân khấu ấy, lý luận phê bình hiện được xem là con ốc yếu nhất. Không có phê bình, các thành phần sáng tác như đạo diễn, diễn viên đang không có người đồng hành, mất phương hướng, và thiếu chuẩn để soi vào.


Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM đối với giới sân khấu nhân dịp này, cũng thẳng thắn chỉ ra công tác phê bình lý luận còn nhiều hạn chế: "Tác phẩm là đầu vào, khán giả là đầu ra, lý luận phê bình đánh giá tác phẩm khi nó được đưa ra công khai trước công chúng. Yếu kém trong phê bình sẽ hạn chế tác phẩm đến với khán giả".


Sân khấu xã hội hóa của TP.HCM tuy bộc lộ nhiều nhược điểm, nhưng khu vực này cũng là nơi nhận được nhiều lời ngợi khen, đặc biệt sau Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Thành công về lượng lẫn chất của sân khấu xã hội hóa một mặt cho thấy tầm nhìn, cách ứng xử thoáng của cơ quan quản lý nhà nước khi công nhận tính đúng đắn của hình thức này.


Tuy nhiên, nếu lấy xã hội hóa sân khấu làm mục tiêu nhằm khai phóng sức sáng tạo, xây dựng tác phẩm và mô hình hoạt động để phục vụ nhu cầu của khán giả trong nước hôm nay, lẫn bước đầu hội nhập với thế giới bên ngoài, thì sân khấu TP.HCM chắc chắn còn phải tốn thêm một số... nhiệm kỳ nữa.


(theo vietnamnet)


(Source: Tin180 - Sân khấu Sài Gòn: Chuyên nghiệp hay... phường hội? - Tin tức - Bình luận - Văn hóa )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét