Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Bánh của má - Truyện ngắn - Văn hóa

Sau này ba má tôi qua đời, anh em tôi lớn lên, mỗi người mỗi ngả, đứa thì làm quan, đứa khác lại làm giàu thường được ngồi trên những bàn tiệc đầy cao lương mỹ vị. Vậy mà thật lạ mỗi lần gặp nhắc là tất cả đều nhớ như in cái món bánh lá ngày xưa của má.

Từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ tôi mới biết nạn đói. Đó là vào hai năm 1977-1978. Khi đó vùng Tiền Giang, Bến Tre, Gò Công... bị hạn hán và nạn rầy nâu phá hoại hoa màu 2-3 năm liền. Thế là người các tỉnh này kéo xuống Bạc Liêu kiếm gạo đông nghịt. Họ đi trên những chiếc ghe, chở theo tủ, giường... xuống Bạc Liêu, Cà Mau... đổi gạo hoặc đi làm mướn lấy gạo.


Nhiều cô gái đẹp như bông bưởi chỉ đổi có 10 giạ lúa cho những thằng cha xấu hoắc... Đó lại là thời kỳ bao cấp, không ai được tích trữ lúa gạo. Vậy là vùng Bạc Liêu gạo lúa chợ đen tăng giá vùn vụt rồi khan hiếm đến phát sợ. Thế rồi không chỉ có dân vùng trên mà dân sở tại cũng lâm vào cảnh đói gạo.



Bánh của má - Tin180.com (Ảnh 1)
Chúng tôi đều nhớ như in cái món bánh lá ngày xưa của má.

Nhà tôi 7-8 miệng ăn mà chỉ dám nấu có 2 lon sữa bò gạo rồi độn khoai lang, khoai mì vào nấu chung. Ban đầu ăn thì thấy “có lý”, nhưng 5, 7 bữa là chạy dài. Nhắc mới nhớ, tội nghiệp má tôi lắm, bà chỉ bới khoai vô chén ăn còn cơm thì nhường cho mấy đứa con. Hồi đó tôi 17-18 tuổi, là tuổi sức ăn, ăn bao nhiêu khoai thay cơm rồi mà vẫn còn nghe đói, đêm nằm bụng cứ sôi réo mà cảm được cơn đói nó hành hạ người ta khổ sở đến cỡ nào.


Tình cảnh gia đình như vậy nên anh em tôi bung ra làm ăn. Tôi thì đi chạy máy cày tay mướn cho nhà cô ruột với lương tháng rất ít. Anh Ba tôi thì đi giữ vịt đẻ cho người ta. Mấy đứa em tôi cũng bỏ học ở nhà phụ giúp ba má tôi bứng rễ trâm bầu miếng rừng chồi sau nhà mà cấy lúa. Hồi đó nhà nước chủ trương: “tất cả cho cây lúa” cũng đúng thật. Người ta khai thác tất cả biền, xẻo... bỏ hoang để cấy lúa. Nhưng không biết vì sao, có lẽ là tại khoa học kỹ thuật chưa tiến bộ nên lúa cứ thất bát liên miên. Kiếm được hạt lúa là đổ mồ hôi sôi nước mắt.


Năm đó, ba tôi cấy giống thần nông đỏ trên miếng đất cao mới dọn bổng trúng mùa. Tháng 11 âm lịch, gió chướng sồng thổi về mát mẻ đất trời, nhìn những bông lúa cong trái me ba tôi mừng lắm. Bữa cơm lúa mới đầu tiên dọn lên ăn nó ngon làm sao, hạt cơm dẻo thơm đến nức cả mũi. Má tôi nhắn các con tựu về rồi bà dùng gạo mới để xay bột làm bánh cho con ăn.


Hồi đó vừa đói cơm lại đói cả bánh trái. Má tôi đi chợ về mua cho mỗi đứa một thẻ đường, bọn tôi cầm thẻ đường vàng nghệ trên tay không dám cắn, chỉ mút nhè nhẹ. Má tôi làm bánh lá, đó là một loại bánh dùng bột gạo nặn mỏng dính trên chiếc lá dừa nước rồi đem hấp cách thủy. Sau đó lấy ra, dùng kéo cắt nhỏ cho vào đĩa có trộn sẵn gỏi dưa leo và chan lên một ít nước mắm chua với nước cốt dừa. Thế rồi anh em chúng tôi kẻ lớn tòng ngồng, người còn nhỏ xíu chụm đầu lại vừa chan vừa húp soàn soạt. Ai cũng cảm thấy vị ngọt thơm đằm thắm của gạo mới, vị béo của nước cốt dừa... làm cho các thần kinh vị giác của những bao tử đói bánh trái nhảy múa tưng bừng.


Chúng tôi ăn đến 3, 4 đĩa, ăn đến đổ mồ hôi. Má tôi ra hè kéo vạt áo lau nước mắt, bà khóc vì đã lâu rồi bà mới thấy các con tề tựu, được ăn ngon một bữa.


Sau này ba má tôi qua đời, anh em tôi lớn lên, mỗi người mỗi ngả, đứa thì làm quan, đứa khác lại làm giàu thường được ngồi trên những bàn tiệc đầy cao lương mỹ vị. Vậy mà thật lạ mỗi lần gặp nhắc là tất cả đều nhớ như in cái món bánh lá ngày xưa của má. Có cảm tưởng như đó là món ngon nhất của đời mình. Cái món bánh lá ấy nó đeo đẳng cùng năm dài tháng rộng để nhắc nhở tình tấm mẳn và nó cảnh báo, răn đe chúng tôi về thái độ đối với hạt gạo.



Theo Văn Nghệ Sông Cửu Long

(Source: Tin180 - Bánh của má - Truyện ngắn - Văn hóa )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét